GIỚI THIỆU CHUNG

I. Quá trình thành lập

   1. Trung tâm hành chính công tỉnh được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý chủ trương thành lập tại Kết luận số 269-KL/TU ngày 25/4/2017; UBND tỉnh phê duyệt Đề án thành lập tại Quyết định số 415/QĐ-UBND ngày 09/6/2017, Chủ tịch UBND tỉnh thành lập tại Quyết định số 1318/QĐ-UBND ngày 17/7/2017 và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức tại Quyết định số 173/QĐ-UBND ngày 26/01/2018. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Trung tâm hành chính công tỉnh được đổi tên thành Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tại Quyết định số 1443/QĐ-UBND ngày 22/8/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh.

   Trung tâm chính thức đi vào hoạt động từ ngày 04/4/2018, làm đầu mối phục vụ việc tư vấn, tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết khoảng 1.600 thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, giải quyết của 17 sở, ngành và toàn bộ thủ tục hành chính về đất đai, đăng ký giao dịch đảm bảo thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố Quảng Ngãi, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Quảng Ngãi.

   2. Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính được Chủ tịch UBND tỉnh thành lập tại Quyết định số 1984/QĐ-UBND ngày 11/12/2013, thuộc Sở Tư pháp. Đến tháng 10/2017, thực hiện quy định tại Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 407/TB-VPCP ngày 31/8/2017, UBND tỉnh đã tổ chức lại Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính trên cơ sở chuyển giao nguyên trạng từ Sở Tư pháp về Văn phòng UBND tỉnh (Quyết định số 695/QĐ-UBND ngày 03/10/2017 của UBND tỉnh).

   Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 22a/QĐ-VP ngày 22/02/2018 của Chánh Văn phòng UBND tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 64/KSTT-KTN ngày 25/02/2020 về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, cải cách TTHC.

   3. Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Quảng Ngãi được thành lập trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, thuộc Văn phòng UBND tỉnh theo Quyết định số 1258/QĐ-UBND ngày 22/12/2021 của UBND tỉnh.

   Việc hợp nhất Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính được thực hiện theo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (tại Công văn số 3150-CV/TU ngày 28/9/2018) và quy định tại Quyết định số 55/2021/QĐ-UBND ngày 15/10/2021 của UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng UBND tỉnh.

II. Chức năng

    1. Về chức năng phục vụ thực hiện thủ tục hành chính: Làm đầu mối tập trung công khai, minh bạch TTHC; theo dõi, kiểm soát việc hướng dẫn, tiếp nhận, xử lý hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC; phối hợp quản trị Cổng dịch vụ công - Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh và Trung tâm điều hành thông minh tỉnh (gọi tắt là Trung tâm IOC tỉnh).

    2. Về chức năng kiểm soát TTHC: Thực hiện nghiên cứu, tham mưu quản lý nhà nước đối với các hoạt động cải cách TTHC; theo dõi, kiểm tra thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; phối hợp quản trị Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

III. Nhiệm vụ

   1. Tham mưu, giúp Chánh Văn phòng UBND tỉnh trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, kế hoạch, chương trình, đề án và văn bản triển khai thực hiện liên quan đến hoạt động kiểm soát TTHC, cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thực hiện giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh theo quy định pháp luật.

   2. Giúp Chánh Văn phòng UBND tỉnh tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh

   2.1. Về kiểm soát TTHC:

   a) Tham gia ý kiến về nội dung quy định TTHC tại đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

   b) Đôn đốc, kiểm soát chất lượng công bố TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan trên địa bàn tỉnh

   c) Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện công khai TTHC; tích hợp dữ liệu TTHC để công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh; chuẩn hóa, nhập, đăng tải, công khai, tích hợp, khai thác, quản lý dữ liệu TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.

   d) Tổ chức thực hiện việc rà soát, đánh giá TTHC; kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp, sáng kiến đơn giản hóa TTHC.

   đ) Tổ chức tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính.

   e) Tham mưu tổ chức kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC, việc tiếp nhận, giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh.

   2.2. Về theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông:

   a) Hướng dẫn, đôn đốc và tham mưu tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh.

   b) Trực tiếp vận hành, quản lý hoạt động của Trung tâm trong việc công khai, hướng dẫn, tiếp nhận, xử lý, giải quyết hồ sơ, trả kết quả cho tổ chức, cá nhân; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên rà soát, cập nhật danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban ngành và một số cơ quan thuộc Trung ương được tổ chức theo ngành dọc trên địa bàn tỉnh, báo cáo Chánh Văn phòng UBND tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đưa vào Trung tâm để tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả.

   c) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, kiểm soát các sở, ban ngành và cơ quan, đơn vị liên quan về tiến độ, quy trình xử lý, giải quyết hồ sơ, trả kết quả giải quyết cho tổ chức, cá nhân đúng quy định.

   d) Xem xét, đánh giá quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC của các cơ quan trên địa bàn tỉnh, trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

   đ) Phối hợp xây dựng, quản lý, vận hành Cổng dịch vụ công - Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh.

   e) Tổ chức thực hiện đánh giá việc giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh.

   2.3. Về phối hợp quản lý Cổng dịch vụ công quốc gia:

   a) Phối hợp thực hiện tích hợp đăng nhập một lần; đồng bộ hồ sơ giải quyết TTHC; tích hợp hệ thống và thực hiện thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

   b) Tổ chức thực hiện tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

   c) Tham gia quản lý, khai thác Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

   d) Kiểm soát, đánh giá, đôn đốc việc giải quyết TTHC trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công - Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh.

   2.4. Về thực hiện việc đơn giản hóa chế độ báo cáo:

   a) Tổ chức rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa và tham mưu xây dựng, trình ban hành quy định về chế độ báo cáo của địa phương theo quy định pháp luật.

   b) Tham mưu tổ chức xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ để hình thành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

   c) Phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh cung cấp thông tin về tình hình biến động các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Hệ thống thông tin báo cáo của các bộ, ngành để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

   2.5. Thực hiện TTHC trên môi trường điện tử:

   Phối hợp, kiểm tra, theo dõi việc triển khai tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; thanh toán điện tử đối với phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính đất đai; cung cấp dịch vụ công về chứng thực bản sao điện tử; luân chuyển hồ sơ TTHC trong cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử; thực hiện đồng bộ, liên kết tài khoản của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh với tài khoản của Cổng Dịch vụ công quốc gia theo mã số định danh tổ chức, cá nhân trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký doanh nghiệp để hình thành một tài khoản thống nhất, cho phép liên kết, chia sẻ dữ liệu của tổ chức, cá nhân trong thực hiện TTHC.

   2.6. Thực hiện rà soát, phân cấp giải quyết TTHC và đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông:

   a) Tham mưu đẩy mạnh rà soát TTHC để kiến nghị phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC.

   b) Tham mưu triển khai đổi mới toàn diện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC; quản lý, kiểm soát trực tiếp hoạt động tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của Bộ phận Một cửa thành phố Quảng Ngãi được chuyển vào hoạt động tại Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát TTHC tỉnh.

   c) Tham gia phối hợp triển khai việc vận hành và phân tích thông tin, dữ liệu có liên quan về kinh tế - xã hội; kết quả, tiến độ giải quyết TTHC; tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao tại Trung tâm IOC tỉnh.

   3. Quản lý, sử dụng công chức, viên chức và người lao động theo phân cấp của UBND tỉnh và quy định của pháp luật; thực hiện các chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức và người lao động của Trung tâm theo quy định của pháp luật.

   4. Quản lý và chịu trách nhiệm về công tác văn thư, lưu trữ, tài chính, tài sản theo quy định pháp luật; thực hiện tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật; đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Trung tâm; thực hiện sơ kết, tổng kết và chế độ thông tin, báo cáo, thống kê về tổ chức, hoạt động của Trung tâm.

   5. Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, môi trường làm việc để thực hiện tốt nhất việc tiếp nhận và giải quyết TTHC, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi liên hệ, giải quyết TTHC; cung cấp, phối hợp cung cấp một số dịch vụ, hoạt động có liên quan đến việc tiếp nhận, giải quyết TTHC theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân khi được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép.

   6. Thực hiện các nhiệm vụ khác được giao theo quy định của pháp luật và cơ quan, người có thẩm quyền giao.

   IV. Quyền hạn

   1. Kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc thực hiện kiểm soát TTHC, cải cách TTHC và cơ chế một cửa, một cửa liên thông, dịch vụ công trực tuyến, Cổng dịch vụ công quốc gia, chế độ báo cáo; nhận xét, đánh giá chất lượng, hiệu quả của từng cá nhân, cơ quan có liên quan đến việc giải quyết TTHC tại Trung tâm và Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã; theo dõi, đánh giá kết quả hoạt động, phối hợp của người làm đầu mối kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh theo quy định.

   2. Chủ động trao đổi với các cơ quan, đơn vị trực tiếp xử lý, giải quyết TTHC chính nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy trình giải quyết TTHC; đề nghị phối hợp làm rõ nguyên nhân các trường hợp giải quyết TTHC chậm so với quy định, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo xử lý.

   3. Đề nghị các cơ quan liên quan giải trình, cung cấp thông tin về việc tiếp nhận, xử lý và tiến độ giải quyết các TTHC thuộc thẩm quyền.

   4. Nhận xét về tinh thần trách nhiệm, thái độ, tác phong và hiệu quả làm việc của công chức, viên chức, người lao động tại Trung tâm; đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền khen thưởng hoặc kỷ luật theo quy định.

   5. Chủ động báo cáo, đề xuất cơ quan, người có thẩm quyền cử người thay công chức, viên chức, người lao động vi phạm quy chế làm việc, quy định về giải quyết TTHC hoặc năng lực chuyên môn không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.

   6. Thực hiện các quyền hạn khác được giao theo quy định của pháp luật và cơ quan, người có thẩm quyền giao.